Cổng thông tin điện tử Thanh Tra tỉnh An Giang    
 
 
 
 
 
 
 
Liên kết website
Skip portlet Portlet Menu
 
 
 
 
 
Tham nhũng
Quy định về đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng
16/08/2019

Việc đánh giá, đo lường về thực trạng tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng là đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, qua đó góp phần xác định các nhiệm vụ trọng tâm và biện pháp phù hợp để định hướng, điều chỉnh công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tiếp theo sát, đúng và hiệu quả hơn.


Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 11/2011/TT-TTCP ngày 09/11/2011, Thông tư số 04/2014/TT-TTCP ngày 18/9/2014 quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng. Quá trỉnh triển khai thực hiện quy định trên còn nhiều vướng mắc nên kết quả còn rất hạn chế. Với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, được phép của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã thử nghiệm phương pháp đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng theo phương pháp đánh giá của Cơ quan Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc (ACRC) thực hiện tại Hàn Quốc đối với “UBND cấp tỉnh”.


Từ năm 2016-2018, Thanh tra Chính phủ đã ban hành 02 Bộ Chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, hay còn gọi là PACA index (Provincial Anti - Corruption Assessment index). Bộ Chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2016 (theo Quyết định số 1426/QĐ-TTCP ngày 06/6/2016) có 04 nhóm chỉ số: Quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa; kết quả phát hiện các hành vi tham nhũng; xử lý các hành vi tham nhũng gồm 17 tiêu chí, 41 tiêu chí thành phần, thang điểm 100; đối tượng đánh giá là các sở, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh và doanh nghiệp nhà nước; phương pháp đánh giá của Bộ Chỉ số dựa trên tài liệu chứng minh, văn bản, file mềm, đường dẫn điện tử... Kế thừa và phát triển Bộ Chỉ số năm 2016, Bộ Chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2017 (theo Quyết định số 63/QĐ-TTCP ngày 26/02/2018) với các tiêu chí đánh giá được bổ sung gồm 21 tiêu chí, 52 tiêu chí thành phần và mở rộng đối tượng đánh giá đến UBND cấp huyện. Sau 02 năm thử nghiệm, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tổ chức việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2018, các tiêu chí, tiêu chí thành phần vẫn thực hiện theo Quyết định số 63/QĐ-TTCP ngày 26/02/2018.


Nhìn chung, việc triển khai đánh giá bước đầu góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng thông tin, báo cáo về phòng, chống tham nhũng, từng bước hoàn thiện Bộ Chỉ số, phục vụ việc xây dựng quy định đối với đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về các tiêu chí đánh giá nên việc thực hiện chưa thống nhất. Để khắc phục tình trạng trên, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định cụ thể 05 tiêu chí và 31 tiêu chí thành phần trong đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, bao gồm:


- Tiêu chí 1: Đánh giá về số lượng, tính chất và mức độ của vụ việc, vụ án tham nhũng được xác định dựa trên kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gồm 06 tiêu chí thành phần: Số lượng người có hành vi tham nhũng; vị trí, chức vụ của người có hành vi tham nhũng; lĩnh vực để xảy ra hành vi tham nhũng; mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng; giá trị tiền, tài sản bị thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra; số vụ việc, vụ án tham nhũng đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận.


- Tiêu chí 2: Đánh giá việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng gồm 03 tiêu chí thành phần: Việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.


- Tiêu chí 3: Đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong đó: tiêu chí đánh giá trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước gồm 08 tiêu chí thành phần: kết quả thực hiện công khai, minh bạch; kiểm soát xung đột lợi ích; ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử; chuyển đổi vị trí công tác; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát tài sản, thu nhập; quy định về trách nhiệm của người đứng đầu. Tiêu chí đánh giá trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước gồm 04 tiêu chí thành phần: kết quả xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ; thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch; kiểm soát xung đột lợi ích; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu.


- Tiêu chí 4: Đánh giá việc phát hiện và xử lý tham nhũng: Tiêu chí phát hiện tham nhũng gồm 03 tiêu chí thành phần: kết quả phát hiện tham nhũng qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; kết quả phát hiện tham nhũng qua phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng; kết quả phát hiện tham nhũng qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Tiêu chí xử lý tham nhũng gồm 04 tiêu chí thành phần: kết quả xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính với tổ chức, cá nhân có vi phạm; kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; kết quả xử lý hình sự người có hành vi tham nhũng; số lượng tiền, tài sản tham nhũng được kiến nghị thu hồi.


- Tiêu chí 5: Đánh giá việc thu hồi tài sản tham nhũng gồm 03 tiêu chí thành phần: tổng số tiền, tài sản tham nhũng phải thu hồi và kết quả thu hồi; kết quả thu hồi tài sản tham nhũng bằng biện pháp hành chính; kết quả thu hồi tài sản tham nhũng bằng biện pháp tư pháp.


Việc quy định cụ thể các tiêu chí, tiêu chí thành phần sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm áp dụng thống nhất, đồng bộ và đánh giá chính xác về công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước, góp phần đánh giá đúng và sát thực tế hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo ở các địa phương về thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng./.

 

Nguồn: Đỗ Huy Trung (PTP. Thanh tra Phòng, chống tham nhũng)
Trang đầu Trang kế1234Trang sauTrang cuối
 
 
 
 
 
Tin mới
Skip portlet Portlet Menu
 
 
 
ẢNH HOẠT ĐỘNG
Skip portlet Portlet Menu
 
 
 
 
 
Về đầu trang