Cổng thông tin điện tử Thanh Tra tỉnh An Giang    
 
 
 
 
 
 
 
Liên kết website
Skip portlet Portlet Menu
 
 
 
 
 
Khiếu nại, tố cáo
Xử lý phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng
06/07/2022

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018, tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật PCTN năm 2018 định nghĩa "Tham nhũng: là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi". Do đó, tố cáo tham nhũng là việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

 

Điều 65 Luật PCTN năm 2018 quy định phản ánh, tố cáo và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng. Theo đó, cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh về hành vi tham nhũng, cá nhân có quyền tố cáo về hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng phải xem xét, xử lý kịp thời và áp dụng các biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố cáo; việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo; việc tiếp nhận, xử lý phản ánh về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp công dân.

 

Phản ánh về tham nhũng có thể xem là "thông tin có nội dung tố cáo" được quy định tại Điều 25 của Luật Tố cáo năm 2018. Mặc dù có cùng mục đích  là báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi tham nhũng nhưng mức độ có khác nhau và được xử lý khác nhau. Nếu như pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho phép cá nhân, tổ chức có quyền ảnh ánh về hành vi tham nhũng thì Luật Tố cáo năm 2018 chỉ chấp nhận quyền tố cáo là của cá nhân. Tố cáo sẽ được giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo, còn phản ánh với tính chất là "thông tin có nội dung tố cáo" nếu có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý (theo Điều 25 Luật Tố cáo năm 2018).

 

Khác với phản ánh và tố cáo, việc báo cáo về hành vi tham nhũng được thực hiện bởi những người đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi họ phát hiện ra những dấu hiệu của tham nhũng xảy ra trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, cụ thể tại Điều 66 Luật PCTN năm 2018 quy định về báo cáo và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng như sau: 

 

"- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang khi phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình công tác thì phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến hành vi tham nhũng thì phải báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ.

 

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo về hành vi tham nhũng, người được báo cáo phải xử lý vụ việc theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, xử lý và thông báo cho người báo cáo biết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày; trường hợp cần thiết thì người được báo cáo quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng và bảo vệ người báo cáo".

 

Tóm lại, quy định về phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, điều này cũng thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc tăng cường phát hiện hành vi tham nhũng, đồng thời thể chế hóa quyền khiếu nại, tố cáo của công dân được quy định tại Điều 30 Hiến pháp năm 2013./.

 

Nguồn: Trương Hoài Ân (Phòng Thanh tra Khiếu Nại - Tố cáo)
Trang đầu Trang kế12Trang sauTrang cuối
 
 
 
 
 
Tin mới
Skip portlet Portlet Menu
 
 
 
ẢNH HOẠT ĐỘNG
Skip portlet Portlet Menu
 
 
 
 
 
Về đầu trang