Trong năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN): Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 19/02/2020 về thực hiện công tác PCTN năm 2020; Kế hoạch số 276/KH-UBND ngày 25/5/2020 về thực hiện Chương trình công tác năm 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; Kế hoạch số 269/KH-UBND ngày 22/5/2020 về đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2019 (Bộ Chỉ số PACA)... Qua đó, các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện theo chỉ đạo, yêu cầu của Trung ương, của Tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 488 cuộc với 21.137 lượt người tham dự quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN. Cùng với đó, Sở Tư pháp phối hợp Thanh tra tỉnh tổ chức thành công Hội thi “Tìm hiểu pháp luật về PCTN” năm 2020 theo Kế hoạch số 704/KH-UBND của UBND tỉnh. Đài truyền thanh, các chuyên trang, chuyên mục thực hiện 1.026 tin, 152 bài viết, 78 câu chuyện, 65 chuyên mục cấp phát 4.695 tờ bướm về pháp luật PCTN. Các đơn vị thường xuyên công bố, công khai trên cổng thông tin điện tử các tài liệu, số liệu, thủ tục hành chính và kết quả giải quyết ở ngành, lĩnh vực quản lý. Thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, các đơn vị đã thực hiện việc công khai, minh bạch trong hoạt động về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị.
Thực hiện Chương trình cải cách hành chính tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 324/QĐ-UBND ngày 05/02/2016, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, qua đó tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, hành chính, nâng cao chất lượng, mở rộng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, đơn giản hóa, giảm bớt thủ tục phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục được rà soát, kiện toàn theo hướng tinh gọn bên trong, sửa đổi, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được tăng cường nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Tiếp tục tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật; kiểm soát theo quy trình, quy định đối với cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường... nhằm phòng ngừa lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực hành công vụ. Bên cạnh đó, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, mặt trận, đòan thể, cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong việc phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.
Ban chỉ đạo Cải cách hành chính đã kiểm tra công tác cải cách hành chính, kết hợp với kiểm tra việc tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính, về thời gian làm việc, tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của người đứng đầu và cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại 19 đơn vị. Tổ kiểm tra công vụ của tỉnh đã tiến hành kiểm tra theo kế hoạch 04 cuộc và đột xuất 01 cuộc. Tổ kiểm tra công vụ cấp huyện kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất tại 18 phòng, ban và 36 xã, phường, thị trấn, qua đó kịp thời ngăn chặn, nhắc nhở hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thông qua công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy bên trong, các đơn vị đã bãi bỏ, thay thế, sửa đổi bổ sung quy chế nhằm quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn đối với cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo đúng quy trình, quy định; lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm, nhất là đối với các đoàn thanh tra, kiểm tra. Qua đó, tăng cường ngăn chặn tình trạng vụ lợi trong thực thi công vụ.
Người đứng đầu các đơn vị đã quan tâm quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ và nhiều văn bản có liên quan. Luôn xác định đấu tranh PCTN là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài. Công tác thanh tra, kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, các vấn đề xã hội quan tâm; tăng cường thanh tra trách nhiệm về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu, nhất là công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng. Cơ quan tố tụng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng còn tồn đọng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Bên cạnh những mặt đạt được còn tồn tại, hạn chế:
Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở; chưa giảm được các thủ tục không cần thiết có thể làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực, nhất là trên lĩnh vực quản lý tài chính, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, y tế, giáo dục.
Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà vẫn chưa được khắc phục triệt để, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trong hoạt động thẩm định, kiểm định, cấp phép, xử phạt. Công tác kiểm tra công vụ có lúc, có nơi còn hình thức. Một bộ phận người dân và doanh nghiệp vẫn chấp nhận với hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực để “được việc”.
Phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới:
Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN, đạo đức, liêm chính trong hoạt động công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các đơn vị gắn với thực hiện dân chủ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời xử lý nghiêm khi để xảy ra hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà tại đơn vị mình, gắn với công tác thi đua - khen thưởng.
Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy chế làm việc; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính các cấp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực, tham nhũng, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Phát huy mạnh mẽ vai trò của cơ quan dân cử, mặt trận, đoàn thể và nhân dân trong công tác giám sát, kiểm tra, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp kịp thời tố giác, phản ảnh, báo cáo hành vi nhũng nhiễu, nhất là hành vi “tham nhũng vặt” trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức./.