Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện công tác PCTN theo quy định pháp luật về PCTN và yêu cầu của Trung ương và Tỉnh ủy. Qua đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương mình, đồng thời, tăng cường quán triệt, phổ biến pháp luật về PCTN, các mục tiêu, quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp PCTN-LP, trọng tâm là Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ, với 314 cuộc, 9.407 lượt người tham dự thông qua các buổi họp chi bộ, họp đơn vị, hội nghị và “Ngày pháp luật”; đài truyền thanh, các chuyên trang, chuyên mục thực hiện 895 tin, 78 bài viết, 06 câu chuyện, cấp phát 2.580 tờ bướm về pháp luật PCTN.
Về rà soát, sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức cán bộ
Thực hiện Kết luận số 71-KL/TW của Ban Bí thư về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức và Công văn số 1040-CV/TU, ngày 05/5/2020 của Tỉnh ủy, ngày 24/6/2020, UBND tỉnh có Công văn số 669/UBND-TH yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức tự rà soát, bổ sung đầy đủ quyết định tuyển dụng và các văn bằng chứng chỉ theo quy định. Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 50-KH/TU, ngày 22/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tự kiểm tra, rà soát việc thực hiện công tác cán bộ, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 605/UBND-TH ngày 11/6/2018 về tăng cường thanh, kiểm tra về công tác cán bộ, giao Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ. Kết quả, đến cuối năm 2019, 100% các đơn vị đều đã được thanh, kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng, ngừa tham nhũng cũng đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, có 38 công chức, viên chức trong các đơn vị đã được chuyển đổi công tác.
Công tác thanh tra trách nhiệm và xử lý người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng, lãng phí
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các cấp thường xuyên tổ chức triển khai, quán triệt nghiêm túc quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu, nhất là xử lý trách nhiệm của người đứng đầu được quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số vụ việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 12/01/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh gắn với việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị... Qua đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức trong công tác PCTN.
Thực hiện Kế hoạch số 08-KH/TU, ngày 04/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 530/KH-UBND ngày 11/10/2016 của UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và Chương trình công tác của ngành Thanh tra tỉnh An Giang, thanh tra các ngành, các cấp đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, tập trung các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, khi có dấu hiệu tham nhũng chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý theo đúng quy định. Trong năm, đã thực hiện 28 cuộc thanh tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng tại 28 đơn vị (một số cuộc có kết hợp thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo) gắn với hoạt động hành chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao của đối tượng thanh tra. Qua đó, phát hiện 03 đơn vị sai phạm với tổng số tiền 223,37 triệu đồng, chủ yếu chi vượt định mức; thanh, quyết toán thừa 01 hợp đồng lao động từ nguồn kinh phí không tự chủ; chiếm dụng tiền để tiêu xài cá nhân. Trong kỳ, Thanh tra tỉnh tham gia cùng Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên tại Trường Cao đẳng Nghề An Giang và Văn phòng HĐND&UBND thị xã Tân Châu.
Về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; cải cách hành chính và rà soát, đánh giá số lượng, chất lượng đội ngũ giám định tư pháp
Tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Quyết định số 1135/QĐ-UBND ngày 24/6/2015. Ngoài việc công bố, công khai trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị mình, đồng thời gửi bản mềm về địa chỉ banbientap@angiang.gov.vn để Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang thực hiện công bố, công khai và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện. Thông qua hội nghị cán bộ, công chức, người lao động đầu năm, các cơ quan, tổ chức và địa phương đã thực hiện việc công khai, minh bạch trong hoạt động về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị; việc dự toán, quyết toán kinh phí, ngân sách nhà nước; đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công; công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; công tác thi đua, khen thưởng; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; việc công khai thủ tục hành chính, quy trình, biểu mẫu, hồ sơ, thời hạn giải quyết công việc có liên quan đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… theo quy định; đồng thời, thực hiện niêm yết công khai tại trụ sở.
Tiếp tục phát huy, cải thiện hơn nữa các chỉ số đạt được của năm 2019, các sở, ban, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cuối giai đoạn theo Chương trình cải cách hành chính tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch cải cách hành chính năm 2020 đạt hiệu quả, góp phần xây dựng nền hành chính của tỉnh từng bước hiện đại, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu, tổng kết Chương trình cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2016-2020 và xây dựng Chương trình cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Quyết định số 1311/QĐ-UBND ngày 12/5/2016 về Quy chế xin lỗi cá nhân, tổ chức do sai sót, quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 851/KH-UBND ngày 27/12/2019 thực hiện kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2020. Qua đó, nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương và HĐND tỉnh; điều chỉnh một số lĩnh vực quản lý nhà nước và ban hành một số chính sách quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tiêu cực, tham nhũng. Hiện nay, trong toàn tỉnh có 02 tổ chức giám định tư pháp công lập, 02 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc với 80 giám định viên tư pháp và 14 giám định viên tư pháp theo vụ việc (tăng 05 giám định viên tư pháp so với cùng kỳ). Đội ngũ giám định viên ngày càng được củng cố, kiện toàn và tăng cường về số lượng lẫn chất lượng.
Công tác phối hợp và phát huy vai trò của UBMTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông và nhân dân trong giám sát và phản biện xã hội
Các cấp ngành, địa phương luôn tạo điều kiện, thực hiện tốt quy chế phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, qua đó tiếp tục phát huy việc giám sát, phản biện đối với hoạt động của cơ quan, chính quyền địa phương, việc thực thi nhiệm vụ, công vụ, đạo đức, thái độ phục vụ, các thông tin có liên quan đến PCTN-LP, quyền được biết thông tin của tổ chức và công dân. Ủy ban Mặt trận các cấp đã tiến hành giám sát việc tiếp công dân của Chủ tịch UBND cùng cấp, giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí và phóng viên đã tích cực thực hiện tốt chức trách nghề nghiệp của mình trong việc tham gia phát hiện, đưa tin việc xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí. Sự tham gia của các báo chí nói chung và Báo An Giang nói riêng đã góp phần trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả chủ yếu đạt được nêu trên, việc thực hiện còn những hạn chế:
Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN-LP chưa đồng đều, còn dàn trãi, thiếu trọng tâm, trọng điểm, nội dung tuyên truyền chưa phù hợp với đối tượng. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực vẫn còn sơ hở, lỏng lẻo; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí ngay nội bộ, có nơi thực hiện còn hình thức, nể nang, né tránh. Chưa phát huy tốt tính tích cực của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ sở, của cán bộ, đảng viên, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân trong đấu tranh, tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí để kịp thời phát hiện, xử lý. Việc xử lý một số vụ việc liên quan đến tham nhũng còn chậm, chưa kịp thời; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp chậm được khắc phục.
Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN-LP đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân. Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019 - 2021”.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN-LP. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính các cấp; nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số chi phí tuân phủ pháp luật (B1), góp phần xây dựng chính quyền kiến tạo của dân, do dân, vì dân.
Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch số 530/KH-UBND ngày 11/10/2016 về thực hiện Kế hoạch số 08-KH/TU, ngày 04/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện, nâng cao Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh (PACA index).
Tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm tra những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ.
Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan hành chính, tư pháp trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí. Tăng cường mối quan hệ phối hợp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan điều tra với cơ quan tiến hành tố tụng trong xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. /.