Sự cần thiết phải xây dựng kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại
07/07/2022
Luật Khiếu nại năm 2011 và Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại không quy định Đoàn xác minh hoặc Tổ xác minh phải xây dựng Kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại trình người ra quyết định thành lập Tổ xác minh hoặc Đoàn xác minh phê duyệt và tổ chức thực hiện. Như vậy, vấn đề đặt ra là có cần thiết phải xây dựng Kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại.
Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính là thứ tự công việc phải làm để giải quyết vụ, việc khiếu nại trên cơ sở tuân theo các nguyên tắc cơ bản và vận dụng các phương châm chủ yếu. Dù ở cấp thẩm quyền nào, việc giải quyết khiếu nại hành chính về cơ bản cũng đều phải thực hiện theo các bước sau:
"- Tiếp nhận, và xử lý đơn thư khiếu nại;
- Chuẩn bị giải quyết vụ, việc khiếu nại;
- Thẩm tra, xác minh vụ, việc khiếu nại;
- Ra quyết định và công bố quyết định giải quyết khiếu nại;
- Thi hành quyết định và lưu trữ hồ sơ vụ, việc."
Việc lập Kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại là một trong các bước để tiến hành các hoạt động xác minh nội dung khiếu nại được quy định tại Mục 1 Chương II Thông tư 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính, được sửa đổi bổ sung một số điều tại Thông tư 02/2016/TT-TTCP ngày 20/10/2016 của Thanh tra Chính phủ, cụ thể như sau:
"- Trong trường hợp thành lập Tổ xác minh thì Tổ trưởng Tổ xác minh có trách nhiệm lập kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại, trình người ra quyết định thành lập Tổ xác minh phê duyệt và tổ chức thực hiện.
- Kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại gồm:Căn cứ pháp lý để tiến hành xác minh; mục đích, yêu cầu của việc xác minh; nội dung xác minh; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phải làm việc để thu thập, xác minh các thông tin, tài liệu, bằng chứng; các điều kiện, phương tiện phục vụ cho việc xác minh; dự kiến thời gian thực hiện từng công việc, nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên; thời gian dự phòng để xử lý các công việc phát sinh; việc báo cáo tiến độ thực hiện; các nội dung khác (nếu có)."
Tuy nhiên, ngày 19/10/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại có hiệu lực ngày 10/12/2020 và thay thế Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại; Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định số 289/QĐ-TTCP ngày 26/5/2021 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ năm 2020. Theo đó, Thông tư 07/2013/TT-TTCP và Thông tư 02/2016/TT-TTCP hết hiệu lực kể từ ngày 10/12/2020.
Do hiện nay pháp luật khiếu nại không bắt buộc phải xây dựng kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại. Tuy nhiên, xét thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại thời gian qua nhận thấy việc xây dựng kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại là quan trọng và cần thiết, Người có trách nhiệm xác minh cần ý thức rõ tầm quan trọng của việc lập kế hoạch xác minh, nắm vững phương pháp và cách thức xây dựng kế hoạch xác minh để nội dung kế hoạch xác minh đạt chất lượng, có tính khả thi điều đó giúp ích rất nhiều cho Người có trách nhiệm xác minh định hình được công việc cần làm, có sự sắp xếp, bố trí thời gian công việc hợp lý, khoa học, chủ động trong việc xác minh nội dung vụ việc khiếu nại, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác giải quyết khiếu nại./.
Trương Hoài Ân (Phòng Thanh tra Khiếu nại - Tố cáo)
Sự cần thiết phải xây dựng kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại