Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Thanh tra Tỉnh An Giang

Cổng thông tin điện tử

Thanh tra Tỉnh An Giang

NGHIỆP VỤ THANH TRA, GQKNTC

Thực trạng việc doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề phát huy vai trò trong phòng, chống tham nhũng và một số vấn đề đặt ra

26/09/2016

Những năm gần đây, doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thực hiện giải pháp phòng, chống tham nhũng (PCTN). Bên cạnh đó, những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình tham nhũng đặc biệt là sự liên quan của DN đến tham nhũng ngày càng cho thấy DN, hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề cần phải tích cực phát huy hơn nữa vai trò của mình trong cuộc đấu tranh PCTN.

Những năm gần đây, doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thực hiện giải pháp phòng, chống tham nhũng (PCTN). Bên cạnh đó, những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình tham nhũng đặc biệt là sự liên quan của DN đến tham nhũng ngày càng cho thấy DN, hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề cần phải tích cực phát huy hơn nữa vai trò của mình trong cuộc đấu tranh PCTN.

 

Thực tế ở Việt Nam thời gian qua, cơ quan nhà nước chưa có nhiều chính sách thúc đẩy, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề thể hiện vai trò trong PCTN. Bản thân doanh nghiệp cũng chưa thực sự quan tâm thực hiện vai trò này một cách chủ động, tích cực, chưa gắn PCTN với việc xây dựng uy tín, thương hiệu của chính doanh nghiệp, ngành nghề mình.

Bài viết này khái quát tình hình phát huy vai trò của DN, hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề trong PCTN thời gian qua và một số vấn đề rút ra từ thực tiễn đó.

1. Khái quát tình hình DN phát huy vai trò trong phòng, chống tham nhũng

DN hiện nay được nhìn nhận không chỉ là “nạn nhân” của TN mà còn là “tác nhân” và “đối tác” của TN. Do vậy, để thực sự phát huy vai trò trong PCTN thì DN cần loại bỏ cả hai yếu tố này trong tổ chức và hoạt động của mình. Đây cũng là cách thức mang lại hiệu quả nhất và bền vững nhất để PCTN, xây dựng văn hóa kinh doanh và phát triển bền vững. Theo đó, để không còn là nạn nhân của TN, DN cần tham gia tích cực vào thực hiện các giải pháp PCTN theo quy định của pháp luật. Để không trở thành đối tác của TN, DN cần chủ động xây dựng cơ chế quản trị nội bộ tốt và thực hiện nghiêm túc, xây dựng quy tắc đạo đức kinh doanh cho DN mình. Thực tế thể hiện vai trò này của DN thời gian qua có thể khái quát như sau:

Một là, việc thực hiện quy định pháp luật về tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN

Thực hiện các quy định của Luật PCTN 2005, thời gian qua các DN, tổng công ty, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đã tích cực tổ chức triển khai các quy định của Luật, đặc biệt là những nội dung liên quan đến vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong công tác này. Việc tuyên truyền, quán triệt và phổ biến pháp luật đã được tổ chức rộng rãi trong khối DN. Các doanh nghiệp, nhất là các tổng công ty, các hiệp hội đã tổ chức hội nghị quán triệt pháp luật về PCTN cho cán bộ, công nhân viên chức của mình. Đây chính là những tiền đề quan trọng để doanh nghiệp thiết lập những cơ chế phòng ngừa tham nhũng phù hợp trong đơn vị mình, trong nội bộ tổ chức, đơn vị mình và bên ngoài trong mối quan hệ với các đối tác kinh tế. Tuy nhiên, việc tuyên tuyền, phổ biến pháp luật PCTN được thực hiện chủ yếu ở các DNNN, tập đoàn, tổng công ty lớn mà chưa được quan tâm thực hiện tại DN vừa và nhỏ.

Hai là, thực hiện trách nhiệm trong phát hiện, thông báo hành vi tham nhũng

Theo quy định của Luật PCTN và Nghị định số 47/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCTN về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN, đây là một nhiệm vụ quan trọng của các DN, hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề trong công tác PCTN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong khi phần lớn các vụ tham nhũng liên quan đến doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sử dụng vốn ngân sách lớn[1] nhưng lại được phát hiện từ bên ngoài, chứ không được phát hiện và tố cáo với cơ quan chức năng từ bản thân DN. Các vụ việc tham nhũng diễn ra trong chính bản thân DN và DN chủ động thực hiện hành vi đưa hối lộ, hay chi trả các khoản hối lộ cán bộ, công chức khi có hiện tượng nhũng nhiễu từ phía nhân viên nhà nước trong quan hệ với cơ quan công quyền. Điều này phổ biến trong các mối quan hệ của DN với các cơ quan như: thuế, hải quan, đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng, y tế… Tuy nhiên, vì muốn duy trì mối quan hệ này, nhằm có được những lợi thế, “ưu ái” từ phía cơ quan công quyền, nên DN thường không tố cáo hành vi này, mà ngược lại ngày càng “đầu tư” nhiều hơn vào các hoạt động “bôi trơn”.

Hành vi TN nảy sinh trong quan hệ giữa DN với cơ quan công quyền thời gian gần đây xảy ra ngày càng phổ biến với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng. Ở mức độ thấp thì đó là những khoản “chi phí không chính thức” hay là “tham nhũng vặt”, ở cấp độ cao cấp hơn, tinh vi hơn đó là sự cấu kết giữa một nhóm doanh nghiệp nhằm lợi dụng, lạm dụng quyền lực để tạo lập cơ chế, chính sách thuận lợi nhất mang lại lợi ích cho nhóm DN mình.

Thực tế thời gian qua cho thấy sự liên quan của DN trong các vụ TN không còn dừng lại ở khía cạnh là người “bị hại”, là nạn nhân của TN mà DN đã thực sự tham gia với vai trò chủ động hơn đó là “tác nhân” của TN để hình thành lên một “chuỗi tham nhũng”.

Ở mức độ thấp hơn, DN chấp nhận những khoản “chi phí không chính thức” dưới rất nhiều hình thức khác nhau: từ dạng “gửi quà biếu là tiền”, tiếp đó là “đãi tiệc” hoặc gửi quà biếu là hiện vật, đến tạo cơ hội việc làm hay mời đi du lịch đối với cán bộ, công chức trong cơ quan quản lý nhà nước; từ việc đưa, nhận khoản “cảm ơn”, “bồi dưỡng” trong khám chữa bệnh, đấu thầu… đến khoản “lót tay” cho chủ đầu tư là cơ quan nhà nước để giành hợp đồng đấu thầu, cung cấp dịch vụ hoặc để được vay vốn ngân hàng…hay việc “ăn cánh” trong đấu thầu mua sắm công… Có rất ít những vụ việc TN được phát hiện thông qua tố cáo của cá nhân trong nội bộ DN. Thậm chí trong nhiều trường hợp, đã có sự cản trở từ phía DN trong vấn đề này, nhằm che đậy những tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ doanh nghiệp mình. Như vụ việc tiêu cực của lãnh đạo Thảo Cầm Viên, Sài Gòn đã lập kế hoạch thuê người giết anh Đặng Vũ Thắng kế toán Thảo Cầm Viên khi anh này tố cáo hành vi tham nhũng.

Ba là, xây dựng quy chế kiểm soát và quản trị nội bộ

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt như hiện nay thì việc xây dựng quy chế kiểm soát và quản trị nội bộ luôn cần được DN quan tâm thực hiện. Bởi ngoài mục tiêu nhằm phòng ngừa tham nhũng, quy chế kiểm soát và quản trị nội bộ còn có giá trị cao hơn đó là xây dựng tính liêm chính trong kinh doanh, tăng cường minh bạch trong chính tổ chức và hoạt động của DN, qua đó nâng cao uy tín, vị thế của DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thực tế thời gian qua cho thấy, một số nội dung liên quan đến xây dựng quy chế kiểm soát, quản trị nội bộ được DN Việt Nam thực hiện đó là: xây dựng và thực hiện chính sách phòng, chống tham nhũng của doanh nghiệp; xây dựng các thiết chế nhằm kiểm soát và quản trị nội bộ; xây dụng tiêu chuẩn, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng, phổ biến nguyên tắc kinh doanh minh bạch và tuân thủ chặt chẽ... . Trong đó, biện pháp được các DN đặc biệt quan tâm xây dựng đó là, việc xây dựng, phổ biến nguyên tắc kinh doanh minh bạch, xây dựng các thiết chế nhằm kiểm soát và quản trị nội bộ (như Ban kiểm soát, cơ chế kiểm tra, kiểm toán nội bộ...). Biện pháp xây dựng tiêu chuẩn, đạo đức nghề nghiệp được các DN phối hợp chặt chẽ với hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề để cùng tổ chức xây dựng và cam kết thực hiện.

2. Khái quát tình hình hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề phát huy vai trò trong phòng, chống tham nhũng

Một là, tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Vai trò này của các hiệp hội được thể hiện rất rõ nét và hiệu quả. Thời gian qua, VCCI là tổ chức đi đầu trong thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến nghị, hoàn thiện chính sách pháp luật về PCTN như: (i) tổ chức các hội thảo chuyên đề về phát huy vai trò của DN trong PCTN, về kinh doanh liêm chính, trung thực, về phát triển DN bền vững và vấn đề PCTN; (ii) tổ chức các nghiên cứu khảo sát về: nhận thức của DN đối với TN; tổn hại mà TN gây ra đối với DN; về vai trò của DN trong PCTN hiện nay tại Việt Nam… trên cơ sở những kết quả nghiên cứu, khảo sát đó, VCCI đã tập hợp, xây dựng kiến nghị, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN.

Hai là, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng và thực hiện quản trị nội bộ, văn hóa kinh doanh nhằm phòng ngừa tham nhũng.

VCCI đã nỗ lực hỗ trợ các DN xây dựng quy tắc ứng xử trong kinh doanh, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ tổ chức các nghiên cứu, khảo sát nhằm đánh giá thực trạng nhận thức trong DN về TN, thực trạng TN trong kinh doanh tại Việt Nam. VCCI cũng xây dựng Sổ tay Phòng, chống tham nhũng trong đó đưa ra những tình huống tham nhũng cụ thể DN có thể gặp phải trong quan hệ với cán bộ, công chức và hướng dẫn cách DN nói không với tham nhũng.

Với những nỗ lực không ngừng của VCCI, đến thời điểm hiện tại, nhiều DN lớn, tổng công ty của Việt Nam đã xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh như: Vinamilk, Biti’s, Vinaconex, một số DN có vốn đầu tư nước ngoài như: Nokia, Daimler, BigC…

Ba là, tạo diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm trong phòng ngừa tham nhũng cho doanh nghiệp.

Từ việc tổ chức các diễn đàn về liêm chính, kinh doanh trung thực, xây dựng DN phát triển bền vững… đến diễn đàn trách nhiệm xã hội của DN. Những diễn đàn này là cơ hội để hiệp hội DN, DN chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết những vấn đề cụ thể phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại thông qua đó dần hình thành văn hóa liêm chính, trung thực trong kinh doanh. Ngoài ra, thông qua những chia sẻ, trao đổi, DN, hiệp hội DN còn đưa ra những kiến nghị, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật nói chung để tạo đà thuận lợi cho DN phát triển vì mục tiêu xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, trung thực bền vững nói chung.

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều diễn đàn được tổ chức nhằm hỗ trợ, thúc đẩy DN như: diễn đàn với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp - Đưa liêm chính thành trọng tâm hoạt động kinh doanh"; loạt diễn đàn về trách nhiệm xã hội DN với nhiều chủ để thiết thực như: kinh doanh trung thực; diễn đàn DN phát triển bền vững; diễn đàn chuyên đề “xây dựng văn hóa doanh nghiệp - sức mạnh để cạnh tranh bền vững”; diễn đàn “Quản trị đổi mới và xây dựng hình ảnh DN”. Đây thực sự là những nỗ lực rất đáng kể của hiệp hội DN Việt Nam trong việc hỗ trợ, thúc đẩy DN kinh doanh trung thực, phát triển bền vững và thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò cùng với nhà nước xây dựng một xã hội phát triển bền vững.

Bốn là, xây dựng phong trào phòng, chống tham nhũng tập thể.

Tiếp theo những sáng kiến PCTN được tổ chức trong những năm trước đó, từ năm 2010, VCCI phối hợp với Đại sứ quán các nước Thuỵ Điển, Anh thực hiện dự án “Xây dựng tính Nhất quán và minh bạch trong quan hệ Kinh doanh tại Việt Nam”, gọi tắt là (ITBI). Một trong những hoạt động chính của ITBI là nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tác hại của tham nhũng thông qua các khoá huấn luyện đào tạo cho các doanh nghiệp. Từ đó góp phần vào tiếng nói “không” với tham nhũng trong các doanh nghiệp tại Việt Nam. ITBI được thực hiện trong thời gian 3 năm. Ông Rolf  Bergman, Đại sứ Thụy Điển đã nhấn mạnh: “vấn đề đảm bảo tính nhất quán trong quan hệ kinh doanh tại Việt Nam là vấn đề then chốt và cần có sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp, nỗ  lực của các tổ chức xã hội”.

Trong nỗ lực PCTN, VCCI xây dựng “Đề án 12” trong nỗ lực thúc đẩy hình thành Liên minh liêm chính tại Việt Nam. Liên minh Liêm chính Việt Nam là nơi cộng đồng các doanh nghiệp, tổ chức và chuyên gia hỗ trợ lẫn nhau để quáng bá các tiêu chuẩn liêm chính trong mọi lĩnh vực, gắn kết và tập hợp các sáng kiến chống tham nhũng. Ý tưởng ban đầu hình thành liên minh trên cơ sở cam kết tự nguyện, không ràng buộc, hướng tới một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, không hối lộ. Liên minh ủng hộ và thúc đẩy các quy tắc về liêm chính, minh bạch, trách nhiệm giải trình, quản trị hiệu quả tại Việt Nam và xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư. Liên minh cũng là tổ chức nâng đỡ cộng đồng doanh nghiệp có những hoạt động nhằm tạo sự thay đổi và khuyến khích các sáng kiến liêm chính, khuyến khích các tổ chức, khu vực tư nhân cũng như đối tác trong và ngoài nước tham gia các sáng kiến chống tham nhũng.

Để tiến tới hình thành liên mình này, VCCI đã tổ chức diễn đàn Liêm chính trong Kinh doanh và giới thiệu diễn đàn này tới các DN, khu công nghiệp. Một số khu công nghiệp như Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) đã ký kết đạo đức kinh doanh và PCTN với hầu hết các DN hoạt động trong khu công nghiệp.

3. Một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn phát huy vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong phòng, chống tham nhũng

Từ thực tiễn khái quát ở trên, có thể nhận thấy việc DN, hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề phát huy vai trò của mình trong PCTN còn một số hạn chế, vướng mắc như sau:

Một là, việc thực hiện quy định pháp luật về PCTN đối với nhóm chủ thể là DN còn mang tính hình thức, máy móc, rập khuôn, chưa thực sự phù hợp với tính chất hoạt động của DN nên chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Quy định của pháp luật hiện hành về cách thức DN phát huy vai trò trong PCTN hoặc là còn chung chung, đại khái mà thiếu chi tiết, cụ thể như: tổ chức, động viên, khuyến khích hội viên của mình xây dựng văn hoá kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng; tích cực tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng (Khoản 2, Điều 2, Nghị định số 47);  hoặc hình thức tổ chức thực hiện chưa thực sự phù hợp với tổ chức và hoạt động của DN như: xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng, phát hiện tham nhũng; thông báo về hành vi tham nhũng và phối hợp với cơ quan tổ chức, cá nhân… trong xác minh, kết luận về hành vi tham nhũng…(Khoản 2, Điều 2, Nghị định số 47). Việc phát huy vai trò của DN chỉ dừng lại ở việc “động viên, khuyến khích” hoặc “tích cực” còn DN tham gia đến đâu và hiệu quả như thế nào là rất khó kiểm chứng và đánh giá. Có lẽ vì vậy nên tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù dự án IBTI đã hoạt động được 5 năm (từ năm 2010) và VCCI đã rất nỗ lực trong tuyên truyền, khuyến khích nhưng số lượng DN xây dựng và ban hành được quy tắc kinh doanh, quy chế quản trị nội bộ là rất hạn chế và chỉ tập trung vào các DN lớn, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (ví dụ như Vinamilk, Bitis) hoặc công ty có vốn đầu tư nước ngoài vốn dĩ công ty mẹ của họ ở nước ngoài đã có sẵn quy tắc, đạo đức kinh doanh như Nokia, BigC…Trong khi đó, đa phần các DN của Việt Nam là DN vừa và nhỏ thì pháp luật lại chưa có những quy định hợp lý để huy động đội ngũ này tham gia PCTN.

Hai là, DN Việt Nam chưa chú trọng xây dựng văn hóa kinh doanh và uy tín doanh nghiệp. Văn hóa kinh doanh và danh tiếng doanh nghiệp được coi là yếu tố quan trọng để xây dựng và phát triển DN bền vững. Do vậy, vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức và sự tự giác của đội ngũ lãnh đạo DN.

Điểm đáng quan tâm đó là, DN hiện nay vẫn hầu như không quan tâm đến việc xây dựng danh tiếng, uy tín doanh nghiệp. Nếu như các DN trên thế giới có những chương trình, chiến lược chống TN khá mạnh mẽ là bởi họ nhận thức được tầm quan trọng sống còn của danh tiếng DN mình. Từ đó, những chương trình liêm chính, minh bạch được xây dựng kèm theo đó là những cam kết, tuyên bố về các giá trị hay bộ quy tắc ứng xử luôn là nền tảng cho một chương trình chống TN của công ty. Những tuyên bố như vậy thường trở thành hình mẫu cho các giá trị và chuẩn mực của DN và thúc đẩy các hành vi kinh doanh có trách nhiệm của các nhân viên và đại lý…Trong khi đa số các công ty ở Đông Á và Thái Bình Dương đều dựa vào ý kiến của nhân viên để xây dựng tuyên bố về giá trị dựa trên kinh nghiệm, chính sách và các chương trình đào tạo thì DN Việt Nam dường như lại không mấy để tâm đến điều đó.

Ba là, bản thân DN không có các yếu tố để xây dựng nền tảng quản trị tốt. Trong bối cảnh hiện nay, có thể nói rằng, đa phần DN Việt Nam hiện nay (ngoại trừ các DN là những tập đoàn, tổng công ty lớn do Nhà nước sở hữu hoặc DN có vốn đầu tư nước ngoài) đều là DN nhỏ, quy mô hoạt động thấp, nguồn nhân lực không cao. Do vậy, việc xây dựng để áp dụng những chuẩn mực kinh doanh quốc tế vào tổ chức và hoạt động của DN là vấn đề không khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, ngay cả với những DN lớn thì việc áp dụng các quy định về tăng cường minh bạch, phòng ngừa xung đột lợi ích, thành lập và vận hành các thiết chế để kiểm soát và quản trị nội bộ còn nhiều khó khăn, vướng mắc, việc áp dụng chế độ, chuẩn mực tài chính kế toán, kiểm toán vào hoạt động là vấn đề khó khăn, ít khả thi. Bởi xuất phát từ đặc thù xã hội Việt Nam, từ việc thành lập đến điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đều xuất phát và trên cơ sở các mối quan hệ mật thiết, thân quen và tin tưởng lẫn nhau, nên không có sự rõ ràng, tách bạch giữa quan hệ kinh doanh và quan hệ tình cảm. Đó dường như là một truyền thống lâu đời trong xã hội nay đã được chuyển sang lĩnh vực kinh doanh. Yếu tố đó cũng với phương thức kinh doanh dựa trên mối quan hệ “cửa sau”, hay “xin-cho” dẫn đến việc từ trong nội bộ bản thân doanh nghiệp, họ không sẵn sàng cho việc minh bạch, công khai những vấn đề vốn từ trước đến nay vẫn coi là “vấn đề nội bộ”.

Mặt khác, cùng với cơ chế tài chính, ngân hàng hiện nay chưa đủ mạnh để có thể quản lý những hoạt động dịch chuyển tài chính DN hiện nay thì việc lành mạnh hóa, minh bạch hóa hoạt động DN phụ thuộc rất nhiều vào sự tự giác và sự nhận thức của DN.

Bốn là, ngoài VCCI rất nỗ lực thực hiện vai trò của mình thì các hiệp hội ngành nghề khác chưa thực sự phát huy vai trò trong công tác này. Trên thực tế, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề tại Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung vào vai trò tuyên tuyền, phổ biến chính sách, kiến nghị xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động của hiệp hội mình mà chưa chú trọng vào thể hiện vai trò trong PCTN. Ngược lại, một số hiệp hội còn kiến nghị chính sách theo hướng có lợi cho hiệp hội mình hoặc cho một số DN chủ chốt trong hiệp hội của mình mà chưa quan tâm đến việc xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, văn hóa kinh doanh liêm chính. Điều này còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng độc quyền trong kinh doanh, hiện tượng “lợi ích nhóm” trong nền kinh tế hiện nay tại Việt Nam như hiện tượng độc quyền trong nhập khẩu và phân phối dược phẩm, trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô....

Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng hiện nay là việc xây dựng văn hóa kinh doanh, tính liêm chính trong kinh doanh của các DN, hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề chưa thực sự được đẩy mạnh trên thực tế.

______________________

[1] Nhận định tại Hội thảo "Luật Phòng, chống tham nhũng và việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp" diễn ra ngày 18/6/2008 tại Hà Nội

 

http://www.giri.ac.vn (TS. Phạm Thị Huệ Phó Trưởng phòng TT-TL-TV Viện Khoa học Thanh tra)

Thực trạng việc doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề phát huy vai trò trong phòng, chống tham nhũng và một số vấn đề đặt ra

Liên Kết Website

1

Bà: Võ Thị Siêu

(Chánh thanh tra)

Điện thoại: 0918.527.426

Email: vtsieu@angiang.gov.vn

2

Ông: Huỳnh Thanh Quang

(Chánh văn phòng)

Điện thoại: 0946.822.741

Email: htquang@angiang.gov.vn

  • Tổ kiểm tra công vụ

    ĐT: 02963 957 049 - 01678 247 247

    Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

  • Phòng Kiểm tra TTHC VP.UBND AG

    ĐT: 02963 957 006

    Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

  • Chi tiết

1

Bà: Võ Thị Siêu

(Chánh thanh tra)

Điện thoại: 0918.527.426

Email: vtsieu@angiang.gov.vn